Nghị luận về sự im lặng trong cuộc sống gồm 3 mẫu kèm theo gợi ý cách viết chi tiết nhất. Qua 3 bài viết về sự im lặng siêu hay trong bài viết dưới đây do Pgdphurieng.edu.vn tổng hợp sẽ giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức, biết cách viết bài văn nghị luận hay, đủ ý.
TOP 3 bài viết về sự im lặng dưới đây sẽ là tư liệu hữu ích, giúp các bạn học sinh tự tin không phải lo nghĩ quá nhiều về việc làm sao để viết được bài văn hay. Ngoài ra để nâng cao kỹ năng viết văn nghị luận các bạn xem thêm: nghị luận về ô nhiễm môi trường, nghị luận về câu nói Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật.
Dàn ý nghị luận về sự im lặng trong cuộc sống
I. Mở bài:
– Giới thiệu hiện tượng cần bàn: Sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu và căn bệnh cô cảm.
II. Thân bài:
1. Nêu bản chất của hiện tượng – Giải thích hiện tượng:
– Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên luôn luôn tồn tại hai loại người: xấu và tốt. Vì thế, ta thấy đau lòng vì hàng ngày, hàng giờ vẫn có những nhiều đáng tiếc xảy ra, chà đạp lên các giá trị.
– Sự im lặng của người tốt là sự im lặng đáng sợ vì đó là phản ứng bất bình thường của người người mà từ trước đến nay ta trân trọng -> bệnh vô cảm
=> Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Ý kiến này khẳng định: sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu.
2. Bàn luận thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
– Thực trạng: hiện tượng khá phổ biến trong xã hội
- Lời nói, hành động của những kẻ xấu (d/c)
- Sự im lặng đáng sợ của những người tốt – bệnh thờ ơ, vô cảm
– Nguyên nhân của hiện tượng:
Những kẻ xấu, những kẻ kém đạo đức. Chúng làm nhiều việc trái với chuẩn mực đạo đức xã hội chỉ mong vụ lợi cho bản thân, không nghĩ đến người khác, không quan tâm tới tập thể
– Trước những bất công, vô lí, điều xấu xa đang xảy ra, trước nỗi đau của người khác… người vô cảm không có phản ứng gì bởi vì họ đã không dám lên tiếng, không dám đấu tranh để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Tại sao họ im lặng? Vì họ thấy bất lực. Họ thấy cô độc. Họ mất niềm tin…
3. Hậu quả của hiện tượng
– Lời nói, hành động của kẻ xấu, sự thờ ơ vô cảm làm cho xã hội trở nên bất ổn, con người mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp
4. Giải pháp khắc phục:
- Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: nhà trường và đoàn thanh niên …cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp.
- Cần phê phán quyết liệt và nghiêm khắc nhắc nhở những cá nhân có hành vi xấu, vô cảm
III. Kết bài:
– Phải nhận thức rõ những việc làm tốt – xấu xung quanh cuộc sống của mình. Không làm ngơ trước cái xấu, cái ác, không có thái độ sống thờ ơ, vô cảm
– Ủng hộ việc làm của những người tốt, có ý thức bảo vệ người khác để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Nghị luận về sự im lặng trong cuộc sống – Mẫu 1
Trong thế giới luôn vận động và thay đổi mỗi ngày, tình cảm, lòng nhân ái và trách nhiệm của con người với cuộc sống ngày càng trở nên cần thiết hơn nữa. Bàn về vấn đề này, một nhà hoạt hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, người được nhận giải Nobel về Hòa bình năm 1964: “Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn là vì sự im lặng đáng sợ của những người tốt”. Đây không chỉ là một ý kiến cá nhân nữa mà nó đã trở thành một nhận định đúng đắn về xã hội, lương tâm con người.
Những kẻ xấu là những người có bụng dạ xấu xa, âm hiểm, thâm độc. Những kẻ xấu luôn suy nghĩ và hành động một cách ích kỉ, không quan tâm đến hệ lụy hay những ảnh hưởng đến người khác mà luôn toan tính, bằng mọi cách thực hiện hành động, mục đích của mình. Những kẻ xấu sẵn sàng có những lời lẽ đơm đặt, khích bác, những lời lẽ xúc phạm đến mọi người xung quanh và có nội dung không tốt. Họ hành động cũng không quang minh chính đại, không tốt đẹp mà đều chỉ nhằm mục đích xấu. Lời nói và hành động của kẻ xấu đều làm liên lụy và ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, đến xã hội, khiến con người cảm thấy đáng sợ, ghê tởm, xa lánh. Những người tốt ngược lại là những con người có suy nghĩ lành mạnh, trong sáng, không làm gì hại ai, cũng không ảnh hưởng gì đến người khác. Sự im lặng đáng sợ của những người tốt ở đây muốn nói đến sự vô tâm, thói vô trách nhiệm của họ. Mặc dù họ không làm gì hại ai nhưng họ lại quá vô tâm, hờ hững với những gì xảy ra xung quanh mình, và điều đó suy cho cùng, cũng gây ra những hệ lụy, tác hại vô cùng nghiêm trọng.
Sự im lặng của người tốt khiến cho những mối liên hệ, ràng buộc của con người dần trở nên xa cách, tình cảm con người ngày một rạn nứt, những mối liên hệ trong cộng đồng cũng vì vậy mà không còn trở nên nghĩa tình, thắm thiết. Con người vô tâm, vô trách nhiệm thường có suy nghĩ đèn nhà ai nhà nấy rạng, thân ai nấy lo. Bất cứ việc gì không liên quan đến họ, họ đều chẳng mảy may quan tâm. Gặp những số phận bất hạnh, những mảnh đời thương tâm, họ cũng quay lưng làm ngơ vì rằng đó không phải là việc của họ. Nhìn thấy sự sai trái, phạm lỗi ngay trước mắt nhưng họ cũng không lên tiếng đưa sự thật ra ánh sáng không phải vì không liên quan gì đến họ. Họ bàng quan với tất cả mọi thứ và chỉ thực sự để ý đến những gì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Sự im lặng của họ đã cổ xúy cho những hành vi sai trái, khuất tất, những kẻ xấu thừa cơ làm càn. Sự im lặng của họ cũng khiến cho biết bao sự chờ mong, niềm hi vọng của nhiều người bị dập tắt. Nó khiến cho tình cảm giữa người với người trở nên nguội lạnh, vô cảm, khiến con người ngày càng cách xa nhau hơn.
Đừng nghĩ rằng người tốt im lặng sẽ không ảnh hưởng đến ai, kì thực vì sự im lặng của họ đã kéo theo sự xuống dốc trong đức hạnh, nhân cách, phẩm chất của con người, làm mất đi nét đẹp trong tâm hồn con người. Sự im lặng của họ khiến cho những lời nói và hành động của kẻ xấu được đà lấn tới và làm biến chất nét nhân văn của xã hội. Chính vì vậy mỗi con người cần phải biết đấu tranh với cái xấu, loại bỏ sự im lặng làm chúng ta trở thành những con người vô cảm, vô trách nhiệm.
Nghị luận về sự im lặng trong cuộc sống – Mẫu 2
Im lặng phải phân biệt với nhu mì, hèn nhát, giấu mặt để hưởng lợi. Lên tiếng cũng không phải là sự hiếu chiến, dùng lời lẽ thiếu suy nghĩ để lấp liếm, hòng giành phần thắng về mình.
Trong cuộc sống chúng ta luôn tồn tại những bài toán khó. Bài toán của cách kiếm tìm và tận hưởng niềm vui, của sự sẻ chia và nhân rộng tình thân ái. Và có một bài toán lớn hơn cả, đó là bài toán của cách cư xử. Có thể gọi cách cư xử với mọi người là bài toán bởi công việc đó không bao giờ là dễ dàng cả. Trong mọi tình huống con người luôn phải cố gắng có một cách cư xử hoàn hảo và đúng mực nhất, và đôi lúc người ta chọn cách im lặng. Thế nhưng mỗi người lại có một nhận định, một suy nghĩ khác về sự im lặng. Với Pythagoras, ông nghĩ rằng: “Im lặng là mức độ cao nhất của sự khôn ngoan. Ai không biết im lặng là không biết nói.” Còn Martin Luther King Jr lại nghĩ: “Cuộc sống chúng ta bắt đầu chấm dứt trong cái ngày mà chúng ta giữ im lặng trước những vấn đề hệ trọng.”
Người ta vẫn thường nói rằng cuộc sống như một bộ phim. Đó là một cách so sánh khá hay và cũng không hoàn toàn là không cân xứng. Nhân vật trong phim cũng trải qua vô vàn tình huống, vui có, buồn có, hân hoan có, cả tủi nhục cũng có. Và tất nhiên, trong cuộc sống đời thường cũng có những tình huống như vậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng bộ phim dù có dài tới mấy cũng chỉ xoay quanh mấy trăm tập, còn đời người là cả một chuỗi ngày dài và đôi lúc những gì bước ra từ phim ảnh cũng không thể vận dụng hoàn toàn vào đời sống. Ngay cả những bậc thiên tài cũng luôn phải suy nghĩ cho mình một cách cư xử đúng mực nhất.
Trong thời đại hiện nay, người ta càng phải đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh sự lên tiếng và im lặng. Lên tiếng là sự nói lên tiếng nói của mình, những quan điểm, quyết định trước những tình huống quan trọng. Còn im lặng lại là một sự đối lập. Đó là sự chọn cách không lên tiếng ngay trong thời điểm hiện tại hoặc ngay cả về sau, im lặng đôi khi được coi như một sự tính toán để chờ một cơ hội lên tiếng thích hợp hơn. Trong câu nói của Pythagoras, ông đề cao sự im lặng. Ông nghĩ im lặng là biểu hiện của một người khôn ngoan. Và với ông, khi người ta biết im lặng là lúc người ấy học được cách nói chuyện, cư xử đúng nhất. Còn Martin, ông như kiêng sợ hai chữ im lặng. Trong suy nghĩ của Martin, im lặng đi liền với sự thiệt thòi, với chấm hết những khi bản thân đang đứng trước vấn đề hệ trọng. Hai câu nói, hai sự đối lập, thế nhưng họ không hề sai, cả hai đều có lý lẽ đúng của mình, và hơn thế, hai câu nói lại là sự bổ sung hoàn hảo cho nhau, cho cách cư xử của con người. Đó là chúng ta cần im lặng đúng lúc và lên tiếng khi thực sự cần thiết.
Xã hội loài người khác với xã hội của bất cứ loài vật nào. Nếu xã hội loài mèo là một tập hợp của những bản sao loài mèo, với những nét tính cách đặc thù, thì xã hội loài người không hề như vậy. Mỗi người một tính cách, một suy nghĩ, chính vì vậy nó tạo nên cái đa dạng, nhiều màu sắc nhưng cũng chính là sự phức tạp cho chính con người.
Chúng ta duy trì cuộc sống bằng sự tiếp xúc, trò chuyện cùng nhau, nhưng có những lúc xảy ra bất đồng quan điểm. Với một người, chuyện vừa xảy ra khá đơn giản, nhưng với người khác, nó là điều không hề đơn giản. Nếu mỗi người cứ cố bảo vệ cái tôi của mình thì bầu không khí mà họ tạo ra thật quá đỗi căng thẳng. Và thật tuyệt vời nếu ai đó chịu im lặng. Im lặng không có nghĩa là người đó sợ sệt, hay chấp nhận mình sai, mà đơn giản là một sự lùi bước, nhường nhịn để giữ được hòa khí, cái đó mới là quan trọng. Không sai khi nói rằng người biết im lặng là những người khôn ngoan, bởi có khôn ngoan, người ta mới đủ kiên nhẫn để trấn át cả lý trí và tình cảm để không nói ra những lời mà sau này phải hối hận. Im lặng cho con người thời gian để bình tĩnh lại, để suy nghĩ về những chuyện vừa qua, và cho một người sự nể phục của bao người khác. Trong thế giới giải trí, có biết bao chuyện thị phi có thể tới bất cứ lúc nào. Đó là môi trường của sự cạnh tranh, của những tin đồn ảnh hưởng tới danh dự, cả những lời nói xúc phạm nghề nghiệp. Có những khi họ chọn cách im lặng và được coi là đúng đắn. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 khi bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói về mình bằng những lời lẽ mà đáng ra một người trẻ tuổi không được phép nói chứ chưa kể tới anh là một người của công chúng. Nhưng bằng vốn sống và sự chín chắn trong độ tuổi của mình, ông đã chọn cách im lặng. Cái sau cùng ông nhận lại chính là lời xin lỗi chân thành từ Đàm Vĩnh Hưng với tất cả sự kính phục. Nếu khi đó ông chịu lên tiếng thì có lẽ mọi chuyện sẽ không chấm dứt nhanh như vậy và bản thân ông sẽ không có được sự kính nể như thế. Im lặng không chỉ cho ta mà cho cả người xung quanh thời gian để suy nghĩ lại.
Dĩ nhiên không phải lúc nào con người cũng có thể im lặng, vẫn có những lúc người ta phải lên tiếng. Lên tiếng vì quyền lợi của chính mình và để chứng minh rằng bản thân họ không hề thua kém. Mọi suy nghĩ, tình cảm của mỗi người được thể hiện nhiều nhất qua lời nói, khi tôi nói có nghĩa là tất cả con người tôi đang lên tiếng. Có những khi khúc mắc bắt đầu từ lời nói và phải được giải quyết bằng lời nói. Lên tiếng lúc ấy được coi là sự giải tỏa cho tất cả những người trong cuộc và mọi người xung quanh. Lên tiếng còn là một cách thể hiện sự trách nhiệm của mình trước những gì bản thân được biết, được nghe và được thấy. Lời nói đầy bản lĩnh và lý lẽ đanh thép còn sắc nhọn hơn bất cứ vũ khí nào trên đời. Đó là vũ khí mà mỗi người đều có để bảo vệ bản thân mình đặc biệt trong những lúc hệ trọng. Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng trăm năm đô hộ của giặc ngoại xâm. Cái mà những người dân chân lấm tay bùn, quanh năm nghèo khó lúc bấy giờ có được không phải là tấc sắt, gậy guộc trong tay giúp họ bình thiên, trị bạo. Mà bấy giờ điều tiên quyết giúp họ giành lại được nền độc lập tưởng như sắp mất chính là tiếng nói đầy chất thép vang lên đúng lúc.
Im lặng phải phân biệt với nhu mì, hèn nhát, giấu mặt để hưởng lợi. Lên tiếng cũng không phải là sự hiếu chiến, dùng lời lẽ thiếu suy nghĩ để lấp liếm, hòng giành phần thắng về mình. Những người cả đời luôn chỉ biết im lặng trước mọi việc, trông chờ sự phản kháng từ người khác thì mãi mãi không có được sự tin tưởng. Còn những người luôn lên tiếng, sẵn sàng phản pháo lại bất cứ ai thì dễ trở thành những người nóng nảy, không giữ được bình tĩnh và dường như cái sau cùng họ nhận được chỉ là sự thất vọng từ mọi người. Cái gì cũng có hai mặt của nó, vẫn còn những người chịu im lặng để mong người khác được hạnh phúc. Và vẫn có những người sẵn sàng lên tiếng trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Dù cho im lặng hay lên tiếng đều cần tới một suy nghĩ chín chắn, một cái đầu đủ tỉnh táo để bản thân không bị lạc vào trong sự cư xử sai lầm.
Cuộc sống luôn song hành hai dải tĩnh và động. Con người luôn ở giữa không gian ấy, họ có thể đan xen hai dải đó hoặc chọn cách đứng ở một bên để nhìn về phía còn lại, để chắc chắn rằng có thể cân bằng được cuộc sống của chính mình.
Nghị luận về sự im lặng trong cuộc sống – Mẫu 3
“Im lặng là vàng” câu nói truyền miệng của dân gian. Đôi lúc trong cuộc sống chúng ta cũng cần đến sự yên tĩnh, lặng im để suy nghĩ lại những gì mà mình trải qua trong cuộc sống. Nhiều khi sự im lặng sẽ giúp cho con người ta thoải mái khi ở trong một cuộc sống đô thị tấp nập và rộn rã của cuộc sống hiện đại ngày nay. Khi mà chúng bắt đầu sống trong một xã hội đang phát triển với một tốc độ chóng mặt qua từng ngày như hôm nay. Nền kinh tế của con người được cải thiện và phát triển một cách nhanh chóng, con người dần dần tạo nên nhân cách của bản thân. Từ đó sự ích kỷ, vô tâm của con người ngày càng được đẩy lên bởi lòng tham của bản thân. Các nét đẹp văn hóa xưa ngày càng mờ nhạt và bị xóa nhòa, lu mờ dần trong nhân cách mỗi con người chúng ta. Martin Luther King đã từng nói một câu nói bất hủ rằng “Trong thế giới này chúng ta không chỉ sót xa vì những hành động và lời nói của kẻ xấu mà còn cả sự im lặng của người tốt”. Nhưng sự im lặng lại được mọi người xem là vàng, vì sao lại như vậy? Tôi sẽ nói cho các bạn hiểu ngay bây giờ về cái tốt xấu của im lặng
“Im lặng” hai từ ngữ trên đã không còn xa lạ với bất kì người nào, nó được mọi người xem là trạng thái tĩnh lặng hay yên tĩnh mà ai cũng thích. Qua trạng thái này con người ta sẽ dường như bất động và không có một phản ứng nào, trong khi não và dây thần kinh vẫn đang hoạt động bình thường, có thể đánh giá được sự vật xung quanh mình. Nhưng trong cái nhộn nhịp náo nhiệt trong thành phố con người thường phải đối mặt với cái ồn ào náo nhiệt của nó. Thành phố càng phát triển bao nhiêu thì sự im lặng càng khó tìm kiếm bấy nhiêu. Do vậy những đại gia của thành phố luôn có biệt thự, nhà riêng ở ngoại thành để nghỉ ngơi cuối tuần, thoát khỏi cái nhộn nhịp của thành phố. Trong cuộc sống ngày nay, bạn sẽ bắt gặp nhiều tình huống xảy ra, và nhiều lúc sự im lặng của mỗi người đều trở nên quý giá. Chắc hẳn với mỗi con người đều xảy ra sự xung đột, và trên thế giới này người tốt và người xấu đều có. Khi có chuyện gì xảy ra người biết chuyện thì sẽ im lặng còn những người xấu, kẻ hèn hạ thì chuyện nhỏ lại xé ra to. Lời nói và hành động của họ đều không phù hợp với các quy tắc chuẩn mực đạo đức, làm tổn thương người khác và có những tác động tiêu cực đến xã hội. Ngược lại, người tốt luôn có những biểu hiện đáng quý về tư cách đạo đức, về thái độ hành vi trong các mối quan hệ và được mọi người đánh giá cao. Như vậy, thông qua câu nói của mình, Martin Luther King muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp sâu sắc: Nỗi đau đớn nuối tiếc do những lời nói và hành động của người xấu không xót xa bằng việc người tốt không có hành động thái độ hay bất kì phản ứng nào trước việc làm sai trái ấy. Nhưng có ai hiểu được sự im lặng của người tốt là một con dao giết người trong thầm lặng. Như ví dụ sau: Một tai nạn thảm khốc đã xảy ra với một ông lão. Nhưng trong tai nạn đó còn có cháu của ông khoảng chừng 2 tuổi. Tai nạn vừa xảy ra, mọi người đổ xô vào nhìn ngắm. Đứa trẻ vẫn thở, người ông đang cố gắng cầu cứu cho đứa cháu bé nhỏ của mình. Nhưng không một ai lên tiếng, không một ai gọi xe cứu thương. Họ chỉ xúm lại nhìn ông lão kiệt sức ngất đi. Trong số họ chắc chắn có người tốt. Nhưng tại sao họ lại không lên tiếng hay có bất kỳ một hành động giúp đỡ nào? Và đây cũng chính là sự đáng sợ mà tôi muốn nói đến. Họ là người tốt. Vâng họ là người tốt, có trình độ văn hóa, có nhận thức đúng đắn, không làm những điều phạm pháp. Nhưng họ không biết cách giúp đỡ người khác khi cần, không biết lên tiếng khi có cơ hội. Liệu như vậy học đã thực sự tốt? Hay chỉ là tốt trong tiềm thức, trong trí tưởng tượng, tự mình đánh giá mà ra?
Sự im lặng ấy có rất nhiều nguyên nhân để dẫn tới. Cả về mặt chủ quan và khách quan đều có. Nói về mặt chủ quan, sự im lặng ấy có thể do tâm lý của họ. Đã từng rất nhiều lần họ lên tiếng hành động nhưng không đạt được hiệu quả mà còn có tác động ngược lại. Nên dần dần, họ nghĩ cứ im lặng thì tốt hơn. Và thế là sự im lặng xuất hiện và trở thành cố hữu. Trường hợp này xảy ra đối với rất nhiều người và cũng là diễn biến tâm lý hết sức tự nhiên. Việc tốt mà họ làm nhưng không nhận được sự ủng hộ của số đông mọi người tạo một rào cản rất lớn cho việc phát triển những hành động đó. Còn yếu tố khách quan nổi bật nhất có thể nhắc đến là cuộc sống xô bồ, quá nhanh hiện nay. Mọi người phải làm việc với tần suất lớn đến nỗi mà không để ý những gì diễn ra xung quanh mình. Dần dần họ chỉ còn nghĩ đến lợi ích của mình. Họ ích kỷ, thiếu lòng vị tha, không quan tâm đến những người xung quanh. Nên khi đứng trước một sự việc không liên quan đến mình, họ chỉ thờ ơ coi như mình chưa từng thấy. Sự im lặng của người tốt có thể không gây hại gì nhưng đó là sự đồng thuận ngầm cho những hành vi sai trái của kẻ xấu. Và chính vì thế mà những kẻ xấu ngày càng lộng hành. Có thể lúc này bạn không phải là người bị hại, người cần sự giúp đỡ. Nhưng không ai nói trước được tương lai. Có thể một lúc nào đó chính bạn sẽ tự hại chính bản thân mình về sự im lặng ấy. Do vậy, những biện pháp nhằm khích lệ sự hành động, lên tiếng để bảo vệ cho những điều tốt đẹp luôn là cần thiết. Bởi lùi bước cho cái xấu cũng là tội ác. Sự im lặng không trực tiếp gây ra tội ác nhưng lại gián tiếp đồng thuận với nó. Chính vì vậy, chúng ta, những con người có đầy đủ điều kiện để trở thành những người tốt trong một xã hội văn minh, đừng im lặng, hãy đưa ra những ý kiến của mình, hãy hành động những gì mà lý trí mách bảo, hãy bỏ tư tưởng im lặng trước bất cứ mọi việc xung quanh mình. Để có thể giúp cho cuộc sống của chúng ta ngày càng bình yên và văn minh hơn.
Sự im lặng của người tốt luôn là một rào cản lớn đối với sự phát triển của xã hội. Im lặng trước những hành động xấu là đồng thuận với nó. Im lặng trước những việc xảy ra xung quanh mình là thờ ơ, bất cần. Như vậy, dù là im lặng trong tình huống hoàn cảnh nào cũng đem lại hậu quả. Vì thế mà nó mới đáng sợ như lời mà nhà nhân quyền Mĩ gốc Phi Martin Luther King đã nói. Và bạn hãy nhớ rằng không phải ai cũng nhạy trong việc đưa ra quyết định, đặc biệt là những quyết định quan trọng và tế nhị. Có câu “nói trước bước không qua” nên không phải việc gì cũng cần phải nói ra hoặc phải giải trình với một ai đó. Sự im lặng trong khoảng thời gian cần thiết có thể cho ta không gian để suy nghĩ, để trải nghiệm, để đánh giá tình huống, để chuẩn bị tâm thế, và để tìm ra hướng giải quyết. Bạn có thể chọn im lặng để giải quyết một số vấn đề, tùy từng trường hợp cụ thể, tùy nhu cầu bạn muốn đối phương sẽ suy nghĩ như thế nào về bạn hay bạn muốn đối phương sẽ phản ứng ra sao đối với bạn. Nếu bạn muốn đối phương ghét bạn: hãy im lặng. Nếu bạn muốn đối phương hiểu bạn đang lắng nghe: hãy im lặng. Nếu bạn muốn đối phương tránh không làm phiền bạn: hãy im lặng. Tuy nhiên suy cho cùng, im lặng không phải là cách hay nhất để giải quyết mọi vấn đề.